Như trong bài viết trước, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ giảm mạnh trong 3 năm liên tiếp, tuy trong các tháng trở lại đây, xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trở lại,
Như trong bài viết trước, giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ đã giảm mạnh trong 3 năm liên tiếp, tuy nhiên trong các tháng trở lại đây, xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại về khả năng phục hồi. Các chuyên gia nghiên cứu đã đánh giá rằng: vấn đề đầu tiên cần phải công nhận là lỗi của chính những người trong ngành khi đã không chú ý đến việc sụt giảm xuất khẩu sớm hơn, bên cạnh đó là việc sản lượng sản xuất đồng hồ quá nhiều vượt qua khả năng tiêu thụ thị trường, giá cả tăng và vấn nạn hàng giả đã khiến đồng hồ Thụy Sỹ bị mất thị trường. Nhưng còn một vấn đề lớn nữa ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của đồng hồ Thụy Sỹ giảm: đó là các thị trường quốc tế. Các khách hàng quen thuộc của đồng hồ Thụy Sỹ là Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ cũng đang có sự suy giảm doanh nghiêm trọng.
Thị trường Trung Quốc
Những số liệu xuất khẩu đáng mừng nhất của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ trong năm nay chính là nhờ vào sự “hồi sinh” của thị trường Trung Quốc đại lục. Trung Quốc đang là thị trường chính cứu lấy ngành đồng hồ Thụy Sỹ – như trước đây chính họ đã làm. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2009, xuất khẩu đồng hồ giảm 22,3%, nhưng chính sự bùng nổ của nhu cầu mua đồng hồ xa xỉ tại Trung Quốc đã “cứu rỗi” ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp này đã tăng vọt lên 22,7% trong năm 2010, và “huyền thoại” về thị trường trong mơ Trung Quốc đã ghi dấu ấn như vậy trong lòng của các thương hiệu đồng hồ.
Mẫu đồng hồ Patek Philippe dành riêng cho thị trường Trung Quốc
Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường vàng tại Châu Á này đã chẳng thể phát triển được lâu, chỉ sau 3 năm – vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát động chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc, và đặc biệt là họ kiểm tra cả lai lịch, nguồn gốc của những mẫu đồng hồ sang trọng đời mới nằm trong tay những quan tham mà đồng lương của quan chức chính phủ không thể sở hữu được.
Giờ đây, thị trường Trung quốc lại tiếp tục là mục tiêu mà các thương hiệu đồng hồ nhắm đến. “Thị trường Trung Quốc đã thực sự phục hồi và mạnh mẽ trong 9 tháng trở lại đây” – Giám đốc tài chính của Tập đoàn Richemont – ông Gary Saage đã phát biểu với các nhà phân tích tài chính vào tháng 05/2017 vừa qua. Sau tám tháng đầu năm 2017, Thụy sỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc 19,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đồng hồ trên toàn thế giới của mình, đây cũng là thị trường nhập khẩu đồng hồ Thụy Sỹ lớn nhất trong số 30 thị trường hàng đầu của họ. Chứng tỏ nhu cầu mua hàng xa xỉ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cửa hàng đồng hồ Omega tại trung tâm thương mại ở Thượng Hải
Các nhà phân tích thị trường đã đa ra một vài lý do dẫn tới kết quả khả quan này, trong đó có việc chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc đang sắp chấm dứt bởi nó đã được thi hành suốt 5 năm qua, và việc tặng quà cho cấp trên như một thông lệ cũng đang dần quay trở lại. Thêm vào đó, sự hỗn loạn trong thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái cùng với lời kêu gọi chi tiêu tiết kiệm, giảm mua đồ xa xỉ của chính phủ nay đã chẳng còn hiệu quả, khiến những thương hiệu cao cấp đang ngày càng được mơ ước và yêu thích tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Người dân thà bỏ tiền mua những món đồ trang sức, đồng hồ cao cấp với khả năng giữ giá trị hoặc thậm chí còn tăng giá theo thời gian – như đồng hồ của Patek Philippe – thay vì bỏ tiền vào các trái phiếu, cổ phiếu không hiệu quả.
Nhu cầu mua đồng hồ xa xỉ ở Trung Quốc vẫn rất lớn
Do nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, chính phủ Trung Quốc đành phải thay đổi chính sách để người tiêu dùng mua hàng trong nước nhiều hơn là ra nước ngoài, bước đầu của chính sách này chính là cắt giảm thị thực sang Hồng Kông – thị trường đồng hồ lớn nhất nhì Châu Á hiện nay – để ngăn chặn việc mua bán hàng hóa ở nước ngoài, cũng tránh việc người dân bị đánh thuế cao khi mua hàng xa xỉ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty đồng hồ – trong đó có Cartier và các thương hiệu đồng hồ xa xỉ khác – đã bỏ phí bảo hiểm tại Trung Quốc – nhằm giảm giá thành sản phẩm. Bởi sản phẩm giá thành càng rẻ thì càng có khả năng dễ bán hơn, kéo theo doanh số bán hàng tăng cao.
Thị trường Hồng Kông
Tuy thị trường Trung Quốc đã phát triển, nhưng chỉ một thị trường này là chưa đủ. Cũng như Trung Quốc, thị trường Hồng Kông cũng giảm số lượng nhập khẩu đồng hồ từ năm 2015. Thực tế lý do chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc Đại Lục cũng ảnh hưởng quá lớn tới Hongkong… Ngoài ra các bạn trẻ với xu hướng thực dụng hơn cũng đang dần thờ ơ với những sản phẩm xa xỉđã dần. Xuất khẩu của đồng hồ Thụy Sỹ tới thị trường này đã giảm liên tục từ năm 2015, tháng 3 năm nay có tăng 1 chút trước khi giảm tiếp 17% trong tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu là do khách du lịch Trung Quốc ít sang Hồng Kông hơn.
Cửa hàng đồng hồ Rolex ở Hồng Kông
Do tình hình chính trị bất ổn giữa 2 quốc gia mà thị trường đồng hồ Hồng Kông hiện nay vẫn chưa thể phục hồi, hay thậm chí là tình hình xuất khẩu đồng hồ sang đây vẫn đang tệ đi. Các nhà phân tích kỳ vọng thị trường Hồng Kông có thể phục hồi trở lại, tạo thành một bộ đôi giữa Hồng Kông và Trung Quốc – giúp doanh thu của Thụy Sỹ lên cao ở mức kỷ lục như năm 2011 và 2012. Nhưng vào thời điểm hiện tại, điều này vẫn là rất khó.
Thị Trường Mỹ
Trái ngược với 2 thị trường trên, thị trường Mỹ không bị ảnh hưởng bới chính trị hay xu hướng mua hàng của người dân. Thực chất, người Mỹ đang có nhu cầu mua đồng hồ xa xỉ tăng nhẹ qua mỗi năm. Nhưng họ lại có xu hướng mua hàng qua các kênh không chính thống như kênh mạng điện tử, website bán hàng không chính hãng.
Thu nhập của người Mỹ khá ổn định và kinh tế Mỹ là thị trường phát triển kinh tế mạnh nhất trên toàn thế giới. Người dân Mỹ cũng có xu hướng mua đồng hồ Thụy Sỹ nhiều hơn, nhưng họ lại lựa chọn mua những đồng hồ với giảm giá lớn trên Website bán hàng online – không thuộc về các kênh phân phối chính hãng được ủy quyền trên mạng. Những mẫu đồng hồ như vậy đại đa số lại là những mẫu tồn kho của những năm trước, hậu quả của việc số lượng sản xuất quá lớn của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ.
Đây là một điều khá đáng buồn khi mà thị trường Mỹ với khả năng tiêu thụ những mẫu đồng hồ Thụy Sỹ rất lớn, nhưng lại chẳng giúp ích được gì cho đồng hồ Thụy Sỹ trong thời gian ngành công nghiệp này đang gặp suy thoái 3 năm liên tiếp. Điều duy nhất mà Mỹ có thể làm, chính là kiểm tra chất lượng và tính minh bạch của các kênh bán hàng Online tại quốc gia của họ nhằm lấy lại công bằng cho các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ mà thôi.