Đồng hồ cơ khí là kiệt tác của nhân loại, hội tụ tinh hoa của các bậc thầy chế tác. Những cỗ máy phức tác, những tính năng ưu việt. Cùng Erawatch khám phá bí mật ẩn sau cỗ máy Tourbillon
Hồi 1
Chương 1: Nguồn gốc ra đời và chức năng ban đầu của cơ cấu Tourbillon
Mở đầu:
Tourbillon được sáng chế bởi Abraham Louis Breguet vào năm 1801, dựa trên ý tưởng từ người bạn thân của ông, bậc thầy John Anold đưa ra năm 1799. Vào thời điểm đó, độ chính xác của những chiếc đồng hồ cơ khí còn là một nan đề dành cho các nghệ nhân chế tạo đồng hồ, khi có quá nhiều yếu tố tác động lên bộ máy gây ra sai lệch trong hoạt động, một trong số đó chính là từ trường của Trái Đất. Tourbillon là cơ chế ra đời với mục đích tăng độ chính xác cho những chiếc đồng hồ bỏ túi bằng kỹ thuật cơ khí đỉnh cao nhằm triệt tiêu từ trường tác dụng lên bánh xe cân bằng. Cho đến ngày hôm nay, khi đã có rất nhiều cải tiến đơn giản hơn để tăng độ chính xác của những chiếc đồng hồ, cơ cấu Tourbillon vẫn rất được tôn sùng bởi tính phức tạp của chúng, trở thành một trong những biểu tượng cho những mẫu đồng hồ cơ khí Tourbillon có kỹ thuật chế tác đỉnh cao trong giới.
Vậy Tourbillon được cấu thành từ những bộ phận nào? Và cơ chế này hoạt động ra sao để đạt được hiệu quả thần kỳ vào thời điểm nó ra đời như vậy? Erawatch xin được chia sẻ với quý độc giả trong bài viết dưới đây.
Khởi nguồn ý tưởng từ cơ cấu hồi
Sự cấu thành của Tourbillon có liên quan đến một kỹ thuật thú vị ra đời trước nó nửa thế kỷ: cơ cấu hồi. Được phát minh bởi kĩ sư đồng hồ Anh Thomas Mudge vào khoảng năm 1755, và được phát triển bởi Abraham Louis Breguet vào năm 1787, sau đó là Peter Litherland năm 1791 và Edward Massey năm 1800, cuối cùng, hoàn thiện cơ cấu hồi trong kiểu dáng mà chúng ta thấy ở bất kỳ mẫu đồng hồ cơ nào từ Seiko giá chỉ 100 đô đến Patek Philippe Minute Repeater giá cả nửa triệu ngày nay chính là Geoger Savage ở nửa đầu thế kỷ 19. Tất nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ chỉ theo dõi nghiên cứu của người đã đặt cơ cấu hồi vào Tourbillon, nghệ nhân Abraham Louis Breguet.
Cơ cấu hồi là phát minh nhằm cải tiến độ chính xác của những chiếc đồng hồ cơ học cuối thế kỷ 18, nằm giữa năng lượng nguồn, ở đây là dây cót, và bộ phận điều hòa, là bánh xe cân bằng, gồm hai chi tiết chính là mỏ neo và bánh răng điều chỉnh con lắc. Tác dụng của cơ cấu hồi là giải phóng năng lượng tiềm tàng của dây cót với tần suất nhỏ và liên tục, cố định, không đổi, đưa năng lượng từ dây cót đến bánh xe cân bằng, đảm bảo cho chiếc đồng hồ chạy đúng giờ.
Lý thuyết chỉ ra rằng cơ cấu hồi là hoạt động lý tưởng để đồng hồ chạy chính xác. Thế nhưng khó có thể tránh sự hao mòn và xác suất sai số ở hiện thực. Tuy nhiên, một bộ phận khác được xem như đầu ra của cơ chế hồi là bánh xe cân bằng lại chịu nhiều lực tác động hơn khiến nó trở nên “mất cân bằng”, trực tiếp khiến chiếc đồng hồ chạy sai số nhiều hơn mức công nhận của Chronometer. Bởi bộ máy đồng hồ chủ yếu được nghiên cứu nằm ngang, mà những chiếc đồng hồ được sử dụng có thể ở trong trạng thái xoay 360 độ, trong tình huống đó, từ trường Trái Đất, nhân tố mà tại thời điểm những năm cuối thế kỷ 18 còn chưa thể khắc phục được, đã tác động lên bánh xe cân bằng khiến chúng trở nên “mất cân bằng”. Đây là nan đề hàng đầu của các bậc thầy chế tác đồng hồ.
Sau đó, song song với việc cải tiến chất liệu tạo ra các chi tiết của cơ cấu hồi để chúng hoạt động tối ưu hơn, Abraham Louis Breguet đã dựa trên suy nghĩ cực kỳ táo bạo của bậc thầy John Anold về việc “chống lại” lực hút từ Trái Đất tác động lên toàn bộ chu vi của bánh xe cân bằng bằng cách “che giấu” nó cùng cả cơ chế hồi trong một chiếc lồng xoay, và Tourbillon ra đời.
Sứ mệnh tối thượng
Cơ chế Tourbillon là đặt cơ cấu hồi xoay quanh một trục cố định trong một khoảng thời gian, điều này giúp khắc phục việc tại những vị trí khác nhau thì đồng hồ có thể xảy ra sai số bằng cách cho nó chuyển động xoay tròn 360 độ, khiến lực tác động lên bánh xe cân bằng gần như bị triệt tiêu. Chính bởi chuyển động này, cái tên Tourbillon (nghĩa là xoáy tròn) ra đời. Cơ cấu Tourbillon thời điểm đó chính là hội tụ của nghệ thuật chế tác đồng hồ tối thượng, chỉ xuất hiện trên những sản phẩm được xem là huyền thoại của ngành chế tạo đồng hồ cơ khí.
Một người anh em khác có cùng nguyên lý với Tourbillon ra đời sau gần một thế kỷ do nghệ nhân Bahne Bonniksen ở London phát minh ra vào năm 1892 có tên gọi là Carrousel. Chúng tôi sẽ gửi thêm thông tin về cơ chế này đến quý độc giả trong những bài viết tới.
Vì sao đồng hồ có cơ chế Tourbillon lại đắt?
Tourbillon và Carrousel không phải là tính năng của đồng hồ, chúng không hề bổ sung thêm chú thích hay chỉ báo nào cho chiếc đồng hồ Thụy Sỹ của bạn. Hiểu một cách gần đúng, đây là những cơ cấu phụ trợ thêm để chiếc đồng hồ của bạn có thể chạy chính xác hơn. Vậy thì vì sao hiện nay Tourbillon vẫn tồn tại, và vì sao đồng hồ có Tourbillon lại đắt?
Người ta sẽ không bỏ tiền ra mua một chiếc đồng hồ cơ có Tourbillon vì độ chính xác khi có thể bỏ ra số tiền ít hơn nhiều để mua điều đó. Giới chơi đồng hồ sành điệu khát cầu những mẫu có Tourbillon bởi cơ cấu này giống như một biểu tượng đẳng cấp tối thượng trong nghệ thuật chế tác đồng hồ. Sự phức tạp về số lượng chi tiết và yêu cầu khắt khe tỉ mỉ về tay nghề của các bậc thầy khi chế tạo linh kiện, và tính thẩm mỹ tổng thể cực kỳ ấn tượng của cơ cấu Tourbillon trong bộ máy đồng hồ chính là điểm hấp dẫn tuyệt đối với những tín đồ của đồng hồ cơ khí trên toàn thế giới.