Cùng Erawatch tìm hiểu một số bí quyết chăm sóc đồng hồ được chia sẻ bởi rất nhiều những người yêu đồng hồ và chơi đồng hồ sành điệu trên toàn thế giới nhé.
Có rất nhiều người đeo đồng hồ hàng ngày, những không phải ai trong số họ cũng biết cách giữ cho chiếc đồng hồ của mình luôn ở trạng thái tốt nhất. Làm cách nào để hạn chế hỏng hóc và xuống cấp ngoại hình cho chiếc đồng hồ yêu quý của bạn? Cùng Erawatch tìm hiểu một số bí quyết được chia sẻ bởi rất nhiều những người yêu đồng hồ và chơi đồng hồ sành điệu trên toàn thế giới nhé.
Bảo vệ đồng hồ của bạn khỏi những va chạm mạnh
Có thể điều này hơi thừa thãi, nhưng hãy cố gắng đừng làm rơi chiếc đồng hồ của bạn khi đang đeo trên tay. Điều này xảy ra thường xuyên hơn vì ai cũng nghĩ đó chỉ là điều vô tình và người ta thường quên ngay sau khi nhặt chiếc đồng hồ lên và đeo lại: “xời, chỉ rơi có tí chắc không sao đâu.” Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy chiếc đồng hồ của mình “đột nhiên hỏng”. Không có điều gì là đột nhiên cả, mọi thứ đều có lí do của chúng, và hãy bảo vệ chiếc đồng hồ của bạn từ những đều nhỏ nhất.
Cũng giống như khi bị nước vào, va đập có thể khiến chiếc đồng hồ của bạn bị hỏng hóc và tốn kém rất nhiều tiền bạc cũng như công sức để sửa chữa. Giải pháp để hạn chế điều này là sử dụng khóa ẩn, hay còn được gọi là khóa cánh bướm với tên tiếng Anh là deployant clasp, loại khóa này sử dụng được cho cả dây kim loại và dây da, giữ chắc cho chiếc đồng hồ của bạn ít bị rơi hơn so với những loại khóa cài thông thường.
Đặc biệt, không nên tham gia những hoạt động thể thao mạnh khi đang đeo đồng hồ. Đặc biệt là nhảy từ độ cao nhất định xuống với tốc độ cao, chuyển động này có sức phá hủy rất lớn với bộ máy đồng hồ của bạn. Tất cả các hoạt động thể thao cần chuyển động nhanh hay có sự xóc nảy, cần cử động tay nhiều đều dễ khiến cho chiếc đồng hồ đang đeo trên cổ tay bạn bị hỏng hóc cho dù không hề va đập vào đâu.
Một điều nữa mà chúng tôi cũng đưa vào mục tránh va chạm, đó chính là đừng để đồng hồ của bạn tiếp xúc với những tác động nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Cấu tạo bộ máy đồng hồ gồm rất nhiều chi tiết bằng kim loại, chúng có khả năng thay đổi kích thước không đồng đều do thành phần và tính chất của các kim loại khác nhau, dẫn đến chiếc đồng hồ của bạn có thể bị hư hại nặng và ngừng hoạt động.
Biết rõ độ chống nước của chiếc đồng hồ
Là một điều vô cùng quan trọng. Độ chống nước của đồng hồ cho bạn biết có thể đeo chiếc đồng hồ trong những trường hợp nào, và thực tế, chúng là giới hạn cao nhất mà chiếc đồng hồ của bạn có thể chịu được. Những hậu quả gây ra cho bộ máy khi bị nước vào có rất nhiều mức độ. Trường hợp tồi tệ nhất chính là chiếc đồng hồ của bạn sẽ dừng hoạt động, và bạn sẽ phải mất không ít thời gian và tiền bạc để có thể sửa chữa nó hoàn hảo như xưa.
Sự thực là không phải chiếc đồng hồ có độ chống nước là 10ATM thì có thể đeo để lặn vài giờ ở độ sâu 100m. Khi bạn đeo chiếc đồng hồ và lặn ở dưới đáy biển, áp suất nước biển thậm chí không cố định mà thay đổi theo từng chuyển động của bạn, điều đó có nghĩa là bạn không thể kiếm soát được khi nào áp suất sẽ vượt quá 10ATM, có thể trong khi bạn còn đang tung tăng lặn ở độ sâu 100m thì bùm, chiếc đồng hồ của bạn bị lọt nước và ngừng hoạt động. Sau đó bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn để sửa chữa chiếc đồng hồ của mình, hoặc giận dữ nghĩ rằng đây là chiếc đồng hồ không tốt, độ chống nước không đến 10ATM, thương hiệu không uy tín, trong khi sự thật chỉ là do sự thiếu hiểu biết của bạn. Với một chiếc đồng hồ 10ATM, bạn có thể thoải mái bơi lội hay lặn với ống thở, còn nếu như bạn muốn xuống đáy biển dạo chơi với bình dưỡng khí trên lưng, hãy chắc rằng chiếc đồng hồ lặn bạn mang trên tay có chỉ số chống nước thấp nhất là 20 ATM.
Một điểm nữa cần lưu ý đó là tính chống thấm của đồng hồ, giống như mọi tính năng kỹ thuật khác, đều sẽ suy giảm theo thời gian. Tùy thuộc vào độ tuổi của đồng hồ, tần suất bạn đeo chúng, những điều kiện tác động lên chúng, mà tính chống nước của đồng hồ bị suy giảm hoặc bền lâu hơn dự kiến. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đi kiểm tra lại khả năng chống nước của chiếc đồng hồ mỗi năm một lần để đảm bảo khả năng chống nước tốt của chúng.
Cài đặt và điều chỉnh thời gian của đồng hồ đúng cách
Không nên chỉnh sửa hoặc cài đặt ngày, thứ hay bất kỳ tính năng lịch nào cho chiếc đồng hồ của bạn vào các thời điểm 11 giờ tối và 3 giờ sáng, vì điều này sẽ làm hư hại bộ máy đồng hồ. Ngày và thứ sẽ bắt đầu nhảy vào nửa đêm và kết thúc trong vài giờ sau đó. Để đảm bảo hoạt động, đặc biệt với những chiếc đồng hồ cơ khí tự lên dây cót, tốt nhất là bạn nên để chúng chết máy một thời gian sau đó chỉnh lại theo chiều chạy của kim đồng hồ. Đừng bao giờ cố gắng cài ngược ngày, ví dụ như đồng hồ của bạn đang chạy nhanh hơn 1 ngày so với lịch đúng, hãy để chúng chết máy 1 ngày sau đó lên dây cót và chỉnh giờ chứ tuyệt đối không vặn ngược lại ngày hiển thị trên mặt đồng hồ. Tính năng lịch ngày trên hầu hết đồng hồ đều chỉ có thể vặn tăng lên chứ không thể vặn ngược lại.
(còn tiếp)
Xem thêm bài viết liên quan:
- Những mẫu đồng hồ Thụy Sỹ cao cấp mới về Việt Nam 2017
- Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Tissot cho người Việt Nam
- Địa chỉ bán phụ kiện đồng hồ thông minh